Tự hào mảnh đất, con người Hà Nam

Danh xưng Hà Nam xuất hiện trên bản đồ đất Việt tính đến nay vừa tròn 130 năm (20/10/1890 – 20/10/2020) nhưng truyền thống lịch sử, văn hiến của dải đất núi Đọi – sông Châu thì đã có bề dầy hàng nghìn năm. Nhìn lại những dấu son lịch sử, những trầm tích văn hóa rực rỡ của quê hương, chúng ta càng thêm tự hào, tự tin, thêm kỳ vọng vào bước phát triển đi lên của mảnh đất Hà Nam yêu dấu.

Hà Nam theo cách mô tả rất hình ảnh của các nhà sử học là vùng đất nằm lọt giữa bốn dòng sông lớn: Sông Hồng (phía Đông), sông Đáy (phía Tây), sông Châu (phía Bắc), sông Vị Hoàng (phía Nam); vùng đất có lịch sử lâu đời, lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng mà bằng chứng giàu sức thuyết phục nhất là Bảo vật quốc gia Trống đồng Ngọc Lũ – Biểu trưng của văn hiến Việt Nam(*).

Nói đến Hà Nam là nói đến mảnh đất qua nhiều triều đại phong kiến tự chủ luôn gắn bó khăng khít, là một phần của Đại La thành, Hà Nội. Hà Nam còn được biết đến là vị trí tâm điểm của một vòng tròn khép kín các kinh đô, cố đô và đô thị cổ nổi tiếng: Kinh đô Thăng Long, cố đô Hoa Lư, phủ Thiên Trường (kinh đô thứ hai của nhà Trần) và đô thị cổ Phố Hiến (Hưng Yên). Có lẽ bởi sự độc đáo về hình thái địa lý ấy nên dưới chế độ quân chủ, Hà Nam luôn được chọn làm căn cứ tụ nghĩa, luyện binh, tích trữ lương thảo cho nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm: Căn cứ Đồng Ao (Thanh Thủy, Thanh Liêm của tướng quân Vũ Cố); Căn cứ Lạt Sơn (Thanh Sơn, Kim Bảng của Nữ tướng Lê Chân); Căn cứ núi Cõi (Liêm Cần, Thanh Liêm của Thập đạo Tướng quân  Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn); Kho lương Trần Thương (Xã Trần Nhân Đạo, Lý Nhân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn); Căn cứ Nham Tràng (Thanh Tân, Thanh Liêm của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Ba Đình- Đinh Công Tráng)…

hành phố Phủ Lý hôm nay
hành phố Phủ Lý hôm nay

Hà Nam tự hào có những người con trung liệt, những công tích hiển hách lưu danh muôn đời cùng lịch sử dựng nước, giữ nước. Thời Vua Hùng dựng nước có Thiện Công, Vực Công đứng lên đánh giặc Ân, bảo vệ bờ cõi Văn Lang. Những năm đầu Công nguyên có các Nữ tướng Cao Thị Liên, Quỳnh Chân, Nguyệt Nga cùng hàng chục nữ tướng nổi danh dấy binh, tụ nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng. Thời Tiền Lý có tướng quân Đinh Lôi giúp Lý Nam Đế dựng nghiệp vương chủ. Các thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê…, Hà Nam đều có những tướng tài lập công tích lẫy lừng. Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Liêm Cần, Thanh Liêm) với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân Việt Nam và quê hương Hà Nam. Trong buổi đầu kháng Pháp, Hà Nam có Đinh Công Tráng (Thanh Tân, Thanh Liêm), Đề Yêm (Đồng Hóa, Kim Bảng) dựng cờ khởi nghĩa. Hà Nam còn được biết đến là miền “đất lành” được Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn chọn làm nơi Tịch điền (Xuân Đinh Hợi năm 987), mở đầu một phong tục đẹp – coi trọng khuyến nông.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ người dân Hà Nam chịu thương chịu khó trong lao động, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm và không ngừng sáng tạo, bồi đắp nên nền văn hóa giàu bản sắc với nhiều di sản vật thể, phi vật thể độc đáo. Cùng với những bảo vật vô giá: Trống đồng Ngọc Lũ, Bia “Sùng Thiện Diên Linh”, mảnh đất mang danh xưng Hà Nam hiện có 1.784 di tích thuộc nhiều loại hình (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt – chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương; 89 di tích cấp quốc gia; 113 di tích cấp tỉnh). Cùng với đó là một kho tàng dân ca độc đáo: Múa hát Dậm Quyển Sơn (Kim Bảng), Hát Trống quân (Thanh Liêm), múa hát Lải Lèn (Lý Nhân); hát Giao duyên vùng ngã ba sông Móng… và những lễ hội mang bản sắc riêng có của vùng núi Đọi – sông Châu: Lễ hội chùa Bà Đanh, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Vật võ Liễu Đôi, Lễ phát lương Đức Thánh Trần…

Nói về truyền thống lịch sử, văn hiến, người Hà Nam nhiều thế hệ tự hào nhắc đến tên tuổi 58 vị đại khoa mà trong đó nhiều vị có đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng đất nước như: Lý Trần Thản, Trương Công Giai, Dương Bang Bản, Bùi Văn Dị… Hà Nam cũng là mảnh đất sinh ra những văn sĩ tài hoa, sáng danh trên văn đàn nước nhà: Nguyễn Khuyến, Nam Cao, Phạm Tất Đắc… Thời kỳ cách mạng, Hà Nam rạng ngời tên tuổi những chiến sĩ cách mạng tiền bối: Lương Khánh Thiện, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Thị Phúc, Hồ Xanh, Lê Hồ, Nguyễn Úy…; những sự kiện lịch sử đậm chất anh hùng: “Tiếng trống Bồ Đề” (Bình Lục); sự kiện 32 cụ già, thanh, thiếu niên Đức Bản (Lý Nhân) anh dũng hy sinh; sự kiện trận chống càn Núi Chùa (Thanh Liêm), làng Buộm (Hoàng Tây, Kim Bảng); sự kiện “10 cô gái Lam Hạ Anh hùng” hy sinh trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; những làng quê có chung “Ngày giỗ trận”: Cống Vùa, Đồng Lâu (Lý Nhân); Kim Thượng (Phủ Lý)… Nói đến Hà Nam là nói đến những tấm gương kiên cường, trọn đời hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc: Trần Văn Chuông (Bình Lục), Dương Văn Nội (Duy Tiên), Nguyễn Thị Vân Liệu, Nguyễn Văn Nhờn (Kim Bảng), Nguyễn Thị Nhạ (Thanh Liêm)… cùng 1.415 “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, trên 17 nghìn liệt sỹ; trên 35 nghìn thương, bệnh binh, hàng trăm tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động…

Hôm nay, nói đến Hà Nam là nói đến những thông tin thật vui về sự đổi thay ngoạn mục trong lộ trình đổi mới, hội nhập, phát triển. Điểm đổi mới dễ nhận thấy nhất là hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn với các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thênh thang rộng phẳng cùng hàng chục cây cầu vượt sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, cầu vượt đường bộ tại những nút giao, cửa ngõ trọng điểm. Bây giờ nếu ai đến miền rừng núi Ba Sao, Khả Phong (Kim Bảng) với những địa danh đã từng một thời ám ảnh tâm trí bao người: đỉnh Bòng Bong, ngoẹo chữ chi, dốc Ba Chồm sẽ thấy rõ sự thay đổi. Quốc lộ 21A qua đây nhỏ hẹp, len lỏi giữa núi đồi ngày nào giờ được nắn thẳng, hạ thấp độ cao, rộng dài, êm thuận bánh xe đi. Xóm núi Ba Sao đang hiện hữu ngày càng rõ hơn vóc dáng một phố núi du lịch, dịch vụ. Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tam Chúc với hàng loạt kỷ lục về quy mô xây dựng và sở hữu hàng loạt bảo vật độc đáo, quý hiếm, mở cửa đón khách đúng dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak 2019 đang trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

Năm 2020, năm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Hà Nam có 98/98 xã, 6/6 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố ngã ba sông Phủ Lý đang hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại I. Huyện Duy Tiên đã trở thành thị xã; miền đất bán sơn địa Kim Bảng tự tin hướng đến mục tiêu trở thành thị xã vào cuối nhiệm kỳ 2020 – 2025. Thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIX, các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh ngày càng khởi sắc, Hà Nam đã đưa vào hoạt động: Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm thương mại Vincom, sân golf Kim Bảng, khu khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và hàng loạt khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư mới trải khắp 6 huyện, thành phố, thị xã. Nói đến những đổi thay của dải đất núi Đọi – sông Châu, không thể không nói đến thành tích rất đáng tự hào về phát triển sự nghiệp giáo dục. Quê hương “Hai tốt” – Hà Nam hiện có 362/373 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Nói đến Hà Nam hôm nay là nói đến những thông tin thật vui về những bứt phá ấn tượng trên lĩnh vực an sinh xã hội. Năm 2020, kỷ niệm 130 năm Ngày thành lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nam giảm còn 2,2%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%.

Nói đến Hà Nam hôm nay là nói đến những định hướng lớn thể hiện rõ ý chí, khát vọng của người dân Hà Nam cho giai đoạn phát triển tiếp theo, những định hướng lớn được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX quyết nghị: Đến 2025 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%; tự cân đối ngân sách; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước; đến 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng; có điều tiết ngân sách về Trung ương; GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước; đến 2035 phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những trầm tích văn hóa đặc sắc, những “kỳ tích” đổi thay cùng những khát vọng vươn tới tương lai đó chính là sự kết tinh từ bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng của dải đất sông Châu – núi Đọi, kết tinh từ niềm tự hào, tự lực, tự cường, từ bàn tay, khối óc cùng một quá trình nỗ lực kiên trinh không mệt mỏi của nhiều thế hệ người dân quê hương Hà Nam yêu dấu.
___________________

(*) Phiên bản Trống đồng Ngọc Lũ được chọn là biểu trưng cho văn hiến Việt Nam trưng bày tại Trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc. 

 Tác giả: Thế Vĩnh

Nguồn: Báo Hà Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0975 98 6666 TƯ VẤN NGAY